- Tại thời điểm cuối năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đây nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU)[1] dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,1%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023, thấp hơn mức tăng 3,3% của năm 2022.
- GDP Việt Nam năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%
- Bội chi ngân sách 2023 ước khoảng 4% GDP, nợ công 39-40% GDP, nợ Chính phủ 36-37% GDP; nợ nước ngoài quốc gia 37-38% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách Nhà nước.
- Trong năm nay kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư công với việc thúc đẩy mạnh nhiều dự án lớn vào giai đoạn cuối năm. Tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn nền kinh tế vẫn khó khăn, khi dư nợ tín dụng thấp hơn cùng kỳ và tăng chậm. Việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để vực dậy thị trường.
- Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng đạt 9,15% so với đầu năm (cùng kỳ đạt 12,0%). Tăng trưởng tín dụng toàn ngành những ngày cuối năm đã có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 14-15% trong năm 2023.
- Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do những nguyên nhân chính: Ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, GDP Việt Nam năm nay chỉ đạt 5.05% – thấp hơn so với mục tiêu đề ra; Thị trường bất động sản (BĐS) – vốn là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, vẫn trầm lắng trong năm 2023 khi số lượng giao dịch và số lượng dự án hoàn thành xây dựng lần lượt giảm 31% và 33% so với cùng kỳ.
- Tín dụng tăng trưởng thấp đã kéo theo lợi nhuận của các ngân hàng suy giảm. Tổng lợi nhuận sau thuế của ngành Ngân hàng 9 tháng giảm nhẹ so với con số đạt được trong cùng kỳ năm 2022 và là quý thứ hai liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm so với quý liền trước. Lợi nhuận ngành Ngân hàng phân hóa mạnh, có tới gần một nửa số lượng ngân hàng ghi nhận lãi sau thuế sụt giảm so với Q3/2022: EIB (-76% YoY), VPB (-31% YoY), TPB (-26% YoY)… Lợi nhuận của ngành tiếp tục bị chững lại trong bối cảnh nền kinh tế vẫn hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp khiến thu nhập bị sụt giảm, chi phí vốn lại gia tăng; nợ xấu toàn ngành tăng vọt, nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu gấp nhiều lần số đầu năm, các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng.
- Tuy nhiên, Tính đến cuối Quý 3 năm 2023, định giá P/E và P/B của ngành Ngân hàng vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với trung bình những năm gần đây. Chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm và dần ổn định theo sự điều hành của NHNN, tỷ lệ CASA ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện; tạo điều kiện để các ngân hàng giảm chi phí vốn, mở rộng NIM. Lợi nhuận ngành Ngân hàng sẽ khó có bước nhảy vọt như năm 2022 do áp lực phải tăng dự phòng nợ xấu; chúng tôi dự báo lợi nhuận ngành sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2023.
Khuyến Cáo
Tuy nhiên những quan điểm trên có thể thay đổi bất cứ lúc nào, do đó chúng tôi không chịu trách nhiệm phải thông báo cho nhà đầu tư. Công ty VIS cũng như các công ty con và toàn thể cán bộ công nhân viên hoàn toàn có thể tham gia đầu tư hoặc thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư đối với cổ phiếu được đề cập trong báo cáo này. Các thông tin cũng như ý kiến trong báo cáo không mang tính chất mời chào mua hay bán bất cứ chứng khoán, quyền chọn, hợp đồng tương lai hay công cụ phái sinh nào. Nhà đầu tư cân nhắc kĩ lưỡng việc sử dụng thông tin cũng nhưng các dự báo tài chính trong tài liệu trên, và VIS không chịu trách nhiệm với bất kì khoản lỗ trực tiếp hoặc gián tiếp nào do sử dụng những thông tin đó.
Tài liệu này chỉ nhằm mục đích lưu hành trong phạm vi hẹp vì vậy không được phép sao chép, tái sản xuất, phát hành cũng như tái phân phối bất kỳ nội dung nào của báo cáo vì bất kỳ mục đích nào nếu không có văn bản chấp thuận của VIS.