11:15 - Thứ tư, 22/04/2009
DXV: Giải trình yếu tố ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán năm 2008
Công ty CP Xi Măng Vật liệu Xây dựng Xây lắp Đà Nẵng (mã CK: DXV) giải trình yếu tố ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán năm 2008 như sau:

Công ty Cổ phần Xi măng VLXD Xây lắp Đà nẵng giải trình yếu tố ngoại trừ về khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính của hoạt động đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Cam Ranh đang được Công ty phản ánh tại khoản mục - "Chênh lệch tỷ giá hối đoái" trên Bảng cân đối kế toán mà chưa ghi nhận vào chi phí trong năm, như sau:

          - Công ty Cổ phần Xi măng VLXD Xây lắp Đà nẵng (trước đây là Công ty Xi măng VLXD Xây lắp Đà nẵng) có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là: kinh doanh xi măng, phân phối xi măng của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (chiếm 90% doanh thu) và sản xuất VLXD khác gồm: gạch nung, vỏ bao xi măng (chiếm 10 % doanh thu).

          - Năm 2004, Công ty được Tổng Công ty Xi măng Việt nam (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) phê duyệt Dự án đầu tư Trạm nghiền xi măng tại Cam Ranh - Khánh Hòa, với công suất 500.000 tấn/năm” và giao cho Công ty Xi măng VLXD Xây lắp làm chủ đầu tư với tổng dự toán 450 tỷ đồng, trong đó vốn của Tổng Công ty 20% (tương đương 85 tỷ đồng), vốn vay 80% (tương đương 365 tỷ đồng). Như vậy Dự án này được xem như là dự án đầu tư mới để phát triển mạng lưới sản xuất xi măng của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt nam trên thị trường Miền Trung và Tây nguyên.

               - Dự án được thành lập Ban quản lý dự án, hạch toán riêng biệt các khoản chi phí phát sinh của dự án.Và khi Công ty chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần thì nguồn vốn của dự án chưa được xác định vào vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xi măng VLXD Xây lắp Đà nẵng.

             - Vì những lý do trên, trong quá trình thực hiện công tác hạch toán và quản lý chi phí phát sinh của Dự án, Công ty đã hạch toán độc lập toàn bộ chi phí của dự án và khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái của dự án được xem là khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trước thời điểm dự án hoàn thành, đi vào hoạt động (chênh lệch tỷ giá hối đoái của hoạt động đầu tư XDCB – giai đoạn trước hoạt động) và được phản ánh lũy kế trên Bảng cân đối kế toán. Đến khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, khoản chênh lệch tỷ giá của dự án sẽ được phân bổ dần vào chi phí (nếu lỗ) hoặc thu nhập (nếu lãi) theo hướng dẫn tại Chuẩn mực kế toán Việt nam số 10 – “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”.

          Ảnh hưởng: Nếu hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái của dự án vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ thì lợi nhuận thực hiện sau thuế năm 2008 của Công ty sẽ giảm: 2.674.687.777 đồng xuống còn 5.352.126.186 đồng,nếu công ty không trích các quỹ thì tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đồng cũng chỉ đạt 5,4% so với 7% ( tương đương 6.930.000.000 đồng) theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2008. Mặt khác khoản chi phí này không được tính khi xây dựng ngân sách năm 2008  để tính lợi nhuận và tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông.

           Biện pháp khắc phục: Khoản lỗ hoặc lãi do chênh lệnh tỷ giá hối đoái của dự án sẽ được phản ánh luỹ kế trên Bảng cân đối kế toán cho đến khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ được phân bổ dần vào chi phí (nếu lỗ) hoặc thu nhập (nếu lãi) theo hướng dẫn tại Chuẩn mực kế toán Việt nam số 10 – “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”.

           

 

HOSE
Số lượt đọc: 3258  -  Cập nhật lần cuối: 22/04/09 11:15:00